Vấn nạn mới của ngành thang máy: Tận thu từ bảo trì và linh kiện


TCTM – Thang máy đồng bộ của các nhà sản xuất lớn thường có một số ưu điểm hấp dẫn người dùng. Tuy nhiên, giá bảo trì, thay thế linh kiện chính hãng thường cao. Thêm vào đó, nhiều nhà sản xuất còn tìm cách tận thu lợi nhuận từ các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và độc quyền thay thế linh kiện.

Tình trạng phụ thuộc vào nhà sản xuất

Thông thường, khi khách hàng mua thang máy ngoại thì tâm lý và thói quen cũng tác động khiến họ muốn được sử dụng các dịch vụ đi kèm như bảo trì, sửa chữa. Rõ ràng, đây là một nhu cầu chính đáng bởi nó tạo được sự yên tâm cho khách hàng. Nhưng không phải ai cũng biết những mặt trái của vấn đề này.

Chi phí cao: Dịch vụ bảo trì, sửa chữa và thay thế linh kiện của các nhà sản xuất nước ngoài thường có chi phí cao hơn hẳn so với các dịch vụ tương tự từ các nhà cung cấp trong nước. Tại khu đô thị Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) giá bảo trì chính hãng các thang máy Schindler rất cao. Trao đổi với Tạp chí Thang máy ngày 14/1/2022, ông Lê Anh Đức, Trưởng Ban quản trị tòa nhà NƠ5 cho biết, trước đây giá bảo trì thang máy Schindler là 8 triệu đồng/tháng/thang máy đã khiến người dân phải “khóc thét”. Trong khi quỹ bảo trì đã cạn, Ban quản trị buộc phải quyết định chấm dứt hợp đồng bảo trì, sửa chữa với nhà cung cấp này để tìm các dịch vụ khác phù hợp.

Thời gian chờ đợi lâu: Khi thiết bị trong thang máy cần thay thế, việc đặt hàng linh kiện chính hãng mất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng trời là chuyện không có gì lạ. Điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân tại các tòa nhà hoặc công trình.

Mới đây, một số thang máy ở khu chung cư Intracom Riverside (Đông Anh, Hà Nội) bị hỏng nghiêm trọng. Ban quản lý khu nhà cho biết, thang bị hỏng bo mạch biến tần nên dừng hoạt động. Nhà cung cấp dịch vụ cho biết phải đặt hàng ở Hàn Quốc để chuyển về Việt Nam. Sau đó, việc vận chuyển, lắp đặt, cân chỉnh linh kiện kéo dài tới gần 2 tháng. Với tần suất cư dân sử dụng thang máy rất cao, thang chở hàng buộc phải được “linh động” sử dụng tạm thời. Rủi ro tiềm ẩn và sự bất tiện của người dân là điều rất rõ.

Vấn nạn mới của ngành thang máy1

Một số thang máy ở khu chung cư Intracom Riverside phải chờ sửa tới 2 tháng

Phụ thuộc vào nhà sản xuất: Việc sử dụng thang máy của một nhà sản xuất lớn có thể khiến người dùng phải lệ thuộc. Điều này phụ thuộc vào hai yếu tố là độc quyền linh kiện và những điều khoản trói buộc trong hợp đồng dịch vụ.

Nhiều linh kiện, thiết bị, phần mềm điều khiển quan trọng của thang máy ngoại có mật khẩu hoặc thiết kế riêng nên không thể thay thế bằng linh kiện tương ứng hay phần mềm mở của các nhà sản xuất khác. Khách hàng buộc phải thay cả cụm dù chỉ hỏng một linh kiện trong đó nên rất tốn kém. Vì thế mà một số thang máy tại khu tái định cư quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải “đắp chiếu” mấy năm nay vì linh kiện chính hãng quá đắt, lại hiếm.

Vấn nạn mới của ngành thang máy2

Hai thang máy ở khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) đắp chiếu nằm chờ “thuốc”

Bên cạnh đó, không ít hãng thang máy nước ngoài khi cung cấp sản phẩm thường ép khách hàng phải “mua bia kèm lạc” với dịch vụ đi kèm.

Chống độc quyền trên thế giới ra sao?

Ở nhiều nước, việc ép dùng linh kiện hay dịch vụ độc quyền là hành vi vi phạm pháp luật.

Châu Âu đã ban hành các quy định về quyền cạnh tranh để đảm bảo rằng các nhà sản xuất không thể áp đặt các điều kiện kinh doanh bất công như độc quyền bán linh kiện, thiết bị, phụ tùng hoặc sửa chữa. Quy định tạo điều kiện để người tiêu dùng có quyền tiếp cận với các linh kiện và thiết bị tương đương của các nhà sản xuất khác. Các quy định này được áp dụng cho các ngành công nghiệp khác nhau trong đó có ngành thang máy. Đó là Luật cạnh tranh chung (EC) số 1/2003.

Ở Mỹ, Luật đối đầu với những người bán hàng cản trở (Monopolizing) (Sherman Antitrust Act) năm 1890 về cạnh tranh được áp dụng để ngăn chặn các hoạt động độc quyền của nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp. Thang máy cũng được Luật này bảo vệ.

Nhật Bản đã áp dụng các quy định cấm các công ty sản xuất thang máy không được phép áp đặt các hạn chế đối với các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị và phải cho phép các nhà cung cấp bên ngoài có quyền tiếp cận với thị trường. Điều này giúp khách hàng có nhiều lựa chọn để sửa chữa hoặc nâng cấp sản phẩm. Đó là Luật Cạnh tranh (Antimonopoly Act) được ban hành năm 1947 và đã trải qua nhiều sửa đổi để đáp ứng với thực tế. Phiên bản mới nhất của Luật này có hiệu lực từ năm 2005.

Tại Hàn Quốc, Luật cạnh tranh quy định tránh độc quyền tương tự. Đó là Luật Cạnh tranh (Monopoly Regulation and Fair Trade Act) được ban hành năm 1980 và đã trải qua nhiều sửa đổi. Phiên bản mới nhất của Luật này có hiệu lực từ tháng 2 năm 2021.

Những điều này cho thấy, các quốc gia tiên tiến đã luật hóa để đảm bảo chống độc quyền trong phân phối, cung cấp linh kiện, thiết bị trong đó có ngành thang máy. Nó là một gợi ý để Việt Nam tham khảo, tạo hành lang pháp lý mạnh để khách hàng không rơi vào “bẫy lệ thuộc” của các nhà sản xuất, dù là trong hay ngoài nước.

Giải pháp nào?

Để góp phần tạo ra một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, hướng tới lợi ích phục vụ cộng đồng thì nhà nước cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hạn chế tình trạng độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ bảo trì, bán linh kiện. Trước hết bổ sung, sửa đổi các luật liên quan như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một ví dụ.

Bên cạnh đó, các chính sách cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Đó là cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thang máy, công nghiệp phụ trợ để cạnh tranh với sản phẩm thang máy nhập khẩu. Tăng cường quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất thang máy trong nước và nước ngoài, đảm bảo rằng các hoạt động này tuân thủ đầy đủ các quy định về cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền… trên lãnh thổ Việt Nam.

Nên chăng, đối với các loại thang máy thương mại, có tốc độ dưới 3 m/s, phục vụ cho tòa nhà dưới 30 tầng thì nhà nước cần có các tiêu chí để phân chia rõ ràng và có chính sách phù hợp. Chẳng hạn các quy định hạn chế độc quyền linh kiện, có các định mức rõ ràng về tuổi thọ, linh kiện, định mức giờ công hay bậc thợ thực hiện để từ đó có căn cứ xây dựng giá cả để khách hàng có căn cứ đánh giá, lựa chọn…

Còn các loại thang máy dành cho các tòa nhà siêu cao tầng, là những sản phẩm đặc biệt, ít nhà sản xuất làm được thì phải dựa trên cơ sở tôn trọng các bản quyền, phát minh đã được đăng ký sở hữu trí tuệ. Từ đó, hợp tác chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ bảo trì, cung ứng linh kiện với các cơ quan quản lý để thiết lập các thỏa thuận mang tính nguyên tắc, phù hợp lợi ích của cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.

Còn người tiêu dùng, trong khi chờ đợi hành lang pháp lý được hoàn thiện, họ có thể tự bảo vệ mình.

Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ sản phẩm trước khi mua: Trước khi mua sản phẩm và dịch vụ thang máy ngoại, khách hàng cần nghiên cứu, so sánh, đánh giá giữa các nhà cung ứng. Không quên tìm hiểu kỹ về khả năng thay thế chéo từ các nhà sản xuất, dịch vụ khác nhau về một loại sản phẩm là điều cần thiết.

Thứ hai, có thể đàm phán cụ thể, minh bạch với nhà sản xuất: Người dùng có thể đàm phán với nhà sản xuất hoặc đại diện phân phối về giá cả sản phẩm, dịch vụ theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nếu người dùng xác định sử dụng dịch vụ của nhà sản xuất trong một thời gian dài, họ có “quyền lực” đề xuất những mức giá ưu đãi phù hợp.

Thứ ba, sử dụng nhà cung cấp thay thế: Đây là giải pháp mà nhiều người, nhiều đơn vị, các nhà chung cư đã áp dụng. Người dùng có thể tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế đủ năng lực để bảo trì và sửa chữa thang máy ngoại. Việc sử dụng các nhà cung cấp này có thể giúp tiết kiệm chi phí một cách phù hợp.

Thứ tư, thay đổi nhà sản xuất: Nếu giá dịch vụ bảo trì và cung cấp linh kiện của nhà sản xuất quá cao, người dùng có thể xem xét thay đổi nhà sản xuất thang máy ngoại bằng các nhà sản xuất khác. Nhiều nhà sản xuất lắp ráp thang máy trong nước hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn đối với bất kỳ loại thang máy nào./.

Nguồn:Lê Hùng - tapchithangmay